Giai điệu Phương Nam lần thứ 40 Ấn tượng về một “Bạc Liêu ngày ấy”

Sau khi lần lượt đi qua các tỉnh, thành trong khu vực phía Nam, “Giai điệu phương Nam”(GĐPN) lần thứ 40 đã trở lại Bạc Liêu đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015) và kỷ niệm một năm Đờn ca tài tử (ĐCTT) được công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chương trình đã mang đến một không khí vui tươi, phấn khở,i đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, góp phần bồi đắp lý tưởng cách mạng và nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt.

Mỗi dịp tháng 4 về, triệu triệu trái tim Việt Nam nói chung và nhân dân Bạc Liêu nói riêng lại hướng về ngày hội lớn của dân tộc và chương trình GĐPN lần thứ 40 với chủ đề “Bạc Liêu ngày ấy” giống như những thước phim lịch sử sống động nhất tái hiện một thời hào hùng bằng các tác phẩm đi cùng năm tháng nhằm chuyển tải đến cho khán giả về một Bạc Liêu của quá khứ, đồng thời mang đến cái nhìn toàn cảnh, khách quan về một Bạc Liêu trong thời đại mới, tràn đầy sức trẻ và vững bước đi lên.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết năm 1954, đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam – Bắc. Cuộc phân ly ấy đã kéo dài tới 21 năm với cuộc trường chinh vĩ đại thống nhất non sông. Trong khoảng thời gian đó, đôi bờ Hiền Lương đã trở thành biểu tượng của sự chia ly, cách trở và những nỗi đau mất mát, hy sinh. Để xóa nhòa cái ranh giới ấy, để đi đến thắng lợi cuối cùng, quân dân ta đã bền bỉ, anh dũng, kiên trung bằng những trận đánh ác liệt viết nên những trang sử hào hùng. Cũng giống như các tỉnh, thành khác, quê hương Bạc Liêu ngày ấy cũng chìm trong mưa bom bão đạn. Hai bài vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng” và “Phùng Ngọc Liêm” của soạn giả Trọng Nguyễn được các nghệ sĩ cất lên da diết, làm cho những ai có mặt ở Quảng trường Hùng Vương như đau cùng nỗi đau của chị Tư khi cái chết đã cận kề. Trước họng súng của kẻ thù, chị xin bọn giặc cho mình được thực hiện thiên chức làm mẹ là trao cho con những giọt sữa cuối cùng hoặc khâm phục một anh hùng trẻ tuổi như Phùng Ngọc Liêm sẵn sàng ra đi để nước nhà độc lập.

Những người cộng sản không sợ gian khổ với quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Địch càng khủng bố thì mỗi người dân đất Việt càng chung tay góp một phần công sức để làm nên thắng lợi, và ca khúc “Hát cho dân tôi nghe” của nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã ra đời kịp lúc tạo nên khí thế đấu tranh hừng hực trong giới học sinh, sinh viên “Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát cho đêm thiên thu lửa cháy bên trại giặc thù/ Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên…”. Dẫu biết nguy hiểm, có thể bị bắt, bị tù đày, thậm chí hy sinh nhưng họ vẫn không hề nao núng, một lòng hướng về Đảng, Bác Hồ. Giai điệu vang lên trên khắp đường phố, trong chốn lao tù cộng với những buổi xuống đường đấu tranh bằng âm nhạc đã làm run chuyển cả một chế độ, để rồi “Mỗi bước ta đi vùi thây quân giặc cướp nước/ Mỗi bước ta đi diệt tan bao bốt đồn thù/ Theo bàn chân ta nơi nơi vùng lên/ Mỗi bàn chân ta ghi thêm một chiến công sáng soi muôn đời sau…” (Mỗi bước ta đi: NS Thuận Yến).

Một tiết mục văn nghệ trong chương trình Giai điệu phương Nam lần thứ 40.  Ảnh: Thanh Cường
Một tiết mục văn nghệ trong chương trình Giai điệu phương Nam
lần thứ 40. Ảnh: Thanh Cường

Cùng với khí thế tiến công thần tốc của quân và dân các tỉnh miền Nam trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975 thì tại Bạc Liêu, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, quân dân kết hợp công tác binh vận với đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang đã tạo thành 3 mũi giáp công buộc Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Điệp đầu hàng. Kịch ngắn “Trước giờ toàn thắng” do nhóm kịch Bạc Liêu biểu diễn đã cho người xem cảm nhận đầy đủ diễn biến của lịch sử để rồi mọi người vỡ òa trong hạnh phúc như chính mình là người trong cuộc khi nghe câu “Bạc Liêu giải phóng rồi các đồng chí ơi!”. Đại thắng mùa xuân 1975, cả dân tộc Việt Nam đã thực hiện trọn vẹn tâm nguyện Bắc – Nam sum họp một nhà. Lời ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” cất cao trong niềm hân hoan như lời đáp của toàn Đảng, toàn dân ta trước tâm nguyện của Người trong Di chúc đó là chiến thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

40 năm kể từ ngày đất nước sạch bóng quân thù, đặc biệt là 18 năm sau ngày tái lập tỉnh, Bạc Liêu không ngừng phát triển nhờ sự chung sức, đồng lòng, sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và quân dân trong tỉnh. Clip “Bạc Liêu ngày mới” giúp khán giả gần xa hiểu hơn về một Bạc Liêu trong thời kỳ mới. Ngày nay, nhắc đến Bạc Liêu, người ta không còn nghĩ đến một tỉnh nghèo bị chiến tranh tàn phá nặng nề mà thay vào đó là một Bạc Liêu năng động với những đổi thay kỳ diệu. Nếu như trên lĩnh vực kinh tế – xã hội, một trong những niềm tự hào của người dân xứ Bạc là công trình điện gió “E yêu một thành phố mới, nơi đó có anh và biển hát lời ru, anh vẫn nhớ một chiều trên đê biển, anh mơ về điện gió quê hương…” (Biển sáng tình anh – Khánh Hùng) thì trên lĩnh vực văn hóa ĐCTT đã trở thành “thương hiệu” khi nơi đây là một trong những cái nôi lớn của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ. Không biết tự bao giờ những câu hò, điệu hát đã đi sâu và in đậm trong từng tấc đất, từng con người, từng mái nhà, từng rặng tre… để hôm nay Bạc Liêu được kế thừa một tài sản âm nhạc vô giá mang đậm dấu ấn miền sông nước. Tiết mục ĐCTT qua phần ca diễn hết sức mộc mạc, dễ thương của các bé thiếu nhi chương trình Giọng ca nhí “Hò – Xự – Xang – Xê – Cống” cho chúng ta thấy vẫn còn một lớp trẻ không bỏ quên những giá trị văn hóa của dân tộc. Sự xuất hiện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng với hai ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” và “Đất nước trọn niềm vui” đã mang đến một luồng gió mới, các bạn trẻ đứng dậy vỗ tay theo từng giai điệu sôi động của bài hát làm cho khán đài “nóng” hơn bao giờ hết. Ca khúc quen thuộc “Giai điệu phương Nam” vang lên thay lời kết cũng đã khép lại chương trình trong sự tiếc nối của người xem.

Chúng tôi xin mượn lời chia sẻ của một khán giả trẻ – bạn Lê Thúy Diễm (phường 7) – để làm phần kết cho bài viết này: “Qua chương trình, tôi hiểu sâu sắc hơn về truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc ta, yêu hơn mảnh đất của những câu vọng cổ đắm say lòng người và tự hào hơn trước tốc độ phát triển của một thành phố trẻ. Hy vọng rằng tôi sẽ được nhìn thấy một Bạc Liêu càng vươn xa hơn nữa trong tương lai”. Đây không chỉ là sự kỳ vọng của riêng bạn mà theo chúng tôi thì tất cả những người dân Bạc Liêu đều tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của quê hương mình.

 

Theo lhhvhnt.baclieu.gov.vn